Các bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao mình không cảm thụ được tác phẩm, hay tại sao mình không nghĩ ra ý để viết mỗi khi đứng trước một đề văn? Đó là vì các bạn thiếu đi những kiến thức nền về văn học. Để dựng được ngôi nhà vững, cần một nền móng chắc, để có thể học tốt môn văn, chúng ta cần hiểu rõ những kiến thức cơ bản của văn học:
Thể loại
Mỗi tác phẩm ra đời đều thuộc một chỉnh thể nhất định, hay còn gọi là thể loại. Thể loại văn học quy định các yếu tố của tác phẩm: đề tài, chủ đề, kết cấu, cốt truyện, cách xây dựng nhân vật và lời văn.
Nắm được đặc trưng của những thể loại văn học khác nhau, học sinh có thể đưa ra hướng tiếp cận và phân tích phù hợp với mỗi tác phẩm. Khi phân tích một tác phẩm truyện ngắn, chúng ta sẽ để ý nhiều tới những sự kiện và cách xây dựng nhân vật. Nhưng đối với những tác phẩm thơ, học sinh cần để ý nhiều hơn tới cách gieo vần, đặt câu – đặc trưng của thể loại này.
Trong nhiều trường hợp, thể loại văn học còn gắn bó với khuynh hướng sáng tác, phản ánh được phần nào cá tính sáng tạo và tư tưởng của nhà văn. Cùng là kết quả của những lần “thay đổi thực đơn cho giác quan”, nhưng không chỉ đơn thuần phản ánh vẻ đẹp thiên nhiên như trong “Cô Tô”, sang đến “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân đã bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc chủ quan của mình nhiều hơn. Sự khác biệt ấy cũng được thể hiện qua thể loại của hai tác phẩm: “Cô Tô” thuộc thể kí, “Người lái đò sông Đà” là một bài tùy bút.
Trong chương trình Ngữ văn, học sinh chủ yếu tìm hiểu hai dạng thể loại chính: thơ và văn xuôi.
Văn học với đa dạng thể loại (Ảnh: Hiệu sách Nhã Nam)
Lịch sử văn học Việt Nam
Văn là đời, vì vậy lịch sử văn học gắn bó chặt chẽ và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi dòng lịch sử đất nước. Dựa trên đặc trưng và sự phát triển của văn học, ta có thể chia ra bốn thời kỳ lớn của nền văn học Việt Nam:
- Văn học dân gian: trước thế kỷ X
- Văn học trung đại: từ thế kỷ X → cuối thế kỷ XIX
- Văn học hiện đại: từ thế kỷ XX → 1975
- Văn học sau năm 1975
Hiểu rõ được hoàn cảnh của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử, ta có thể nắm được bối cảnh và tinh thần chung của những tác phẩm văn học cùng thời kỳ. Vào những năm đất nước chiến tranh loạn lạc, thanh niên Việt Nam phải tạm gác lại những chuyện cá nhân còn dang dở để lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Và văn học cũng vậy, thơ văn thời điểm ấy đặt trách nhiệm cộng đồng lên trên cái tôi cá nhân, là vũ khí đắc lực trên mặt trận tư tưởng. Người nghệ sĩ không chỉ viết để giãi bày lòng mình, mà còn viết để thể hiện tình yêu nước, để cổ vũ tinh thần dân quân.
Hai bài thơ thể hiện tinh thần yêu nước, trách nhiệm với Tổ quốc của những người thanh niên. (Ảnh: Artwork: MidJourney)
Những thủ pháp nghệ thuật
Thủ pháp nghệ thuật (hay còn gọi là biện pháp nghệ thuật) hiểu đơn giản là những nguyên tắc trong việc xây dựng cốt truyện, dùng từ, đặt câu. Trong tác phẩm văn học, những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc sẽ tăng sức gợi hình, gợi cảm đồng thời thể hiện dụng ý về mặt nội dung.
Những biện pháp nghệ thuật thường gặp là: So sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh, điệp ngữ, chơi chữ. Hiểu được cách sử dụng cũng như tác dụng của những biện pháp nghệ thuật, học sinh có thể nhận ra những giá trị nghệ thuật trong những tác phẩm văn học.
Chúc các bạn thành công trên hải trình tìm lại tình yêu với văn học!
Đỗ Thu Huyền
——————————————————————————————
Lời nhắn gửi: Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy nội dung hữu ích, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn!
Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này.
Đây là điều em nhận thức chính em trong những thời gian từ đầu năm và đặc biệt rõ nhất là giai đoạn cuối tháng 5 trở đi rất nhiều trắc trở về môn ngữ văn trc khi thi THPT tốt nghiệp 2023-2024. Giai đoạn cuối chương trình cũ và cug ko cũ vì hình thức văn cug cần phải suy ngẫm. Phải đậu. Phải khóc. Có áp lực thì khi vượt rồi mới sung sướng. Em dần hiểu ra rằng tầm quan trọng tiếp cận ngữ văn thì mới giúp ích cho bản thân, là công cụ diễn tả ngôn ngữ ko phải máy móc, phải xuất phát từ tấm lòng thì họ mới thấy giá trị, để họ thấy dù ko gặp trực tiếp thì phải dùng hình thức bài thi viết văn. Dù là giám khảo, không những phải thực hành họ ko mà còn đến người mình có quan hệ gần gũi, máu mủ. Bài viết chốt dc cho em về tầm “phí phạm” bài học quý giá về giá trị Tiếng Việt ntn và phải căn bản. Em rất vui vì có bài viết đã nói dc điều này, em cug mong cuộc sống sắp tới có áp lực nhưng ko quá chèn ép tới mức ngáo căn bản. Em cảm ơn ạ