Tôi mong các em học sinh và các vị phụ huynh khắc phục khó khăn về điều kiện học tập để thích nghi, không bị gián đoạn quá trình học tập, và quan trọng hơn là các em có thể tìm thấy niềm vui trong việc học tập và rèn luyện.
Chúng ta cần điều kiện gì để cảm thụ được bài thơ này?
Bạn sẽ cảm nhận được nội dung tác phẩm nếu bạn cũng có ký ức về những người yêu thương. Trong suốt những năm tháng ấu thơ, món quà quý nhất lại là… kỷ niệm. Gọi nhau một tiếng “người nhà”, chúng ta cùng nhau trải qua buồn vui, gian khó lẫn hạnh phúc. Những khoảnh khắc đơn giản như ăn một bữa cơm, ngồi kể vài câu chuyện,… đến sau này lại là hành trang cho người trẻ vững bước trên đường đời. Cuộc sống trưởng thành không dễ dàng, và khi đó kỷ niệm phát huy tác dụng. Những giây phút ấm áp, yên bình sẽ tiếp thêm động lực cho chúng ta.
Bên cạnh đó, bạn sẽ hiểu giá trị của hình ảnh bếp lửa nếu bạn nhận ra “sức mạnh đến từ tình yêu thương”. Là ngọn cây vươn mình trong nắng, chúng luôn mạnh mẽ trước thiên nhiên nhờ bộ rễ chắc chắn dưới đất sâu. Với con người, gia đình chính là cội nguồn của sức mạnh, là nơi mỗi người bước ra với những ký ức tình cảm và cũng là nơi ta quay về khi mỏi gối chùn chân. Không sợ tương lai nhiều trắc trở, chỉ lo nội lực quá mong manh. Đó là khi ta chẳng có đủ ký ức bên gia đình và “gốc rễ” trở nên yếu ớt.
Tình yêu thương đến từ sự tin tưởng, quan tâm và thấu hiểu. Có tin yêu và hy vọng vào nhau, ta mới dành thời gian để lắng nghe và chăm sóc cho nhau. Khi ta nhận ra khoảnh khắc đó quan trọng đến thế nào, cũng vừa hay mọi thứ chỉ còn là kỷ niệm. Thời gian vô tình nếu con người vô tâm. Bởi vậy, hãy trân trọng những lúc được ở bên nhau. Nếu có một ngày cách xa biền biệt, ít nhất ta vẫn còn kỷ niệm để dựa vào.
Thông điệp này được mình rút ra từ tác phẩm. Chúc các bạn hiểu được nội dung và những câu chuyện phía sau. Và giờ cùng mình tìm hiểu thêm về bài thơ nào!
Quy trình phân tích và cảm thụ tác phẩm
Chúng ta phân tích bài thơ theo từng đoạn, mỗi đoạn lại có những nội dung và hình ảnh chủ đạo rất khác nhau. Chẳng hạn ở đoạn 1 (khổ đầu tiên) là nỗi nhớ ùa về cùng gian bếp trong sương sớm. Đoạn cuối lại là hình ảnh về bà in đậm trong lòng đứa cháu xa quê.
Khi đi sâu vào từng đoạn thơ, ta có thể diễn xuôi các câu thơ và tập trung phân tích nội dung, nghệ thuật. Đó là các từ ngữ có tính biểu tượng mang theo nhiều ý nghĩa ẩn dụ hoặc cách dùng từ loại đa dạng. Ví dụ”
– Phân tích từ “nắng mưa” trong câu thơ “cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
– Phân tích từ láy “chờn vờn – quấn quít không rời, lúc ẩn lúc hiện”, từ ghép “ấp iu– ấp ủ, nâng niu”, tính từ “nồng đượm – nồng nàn, sâu đậm”,…
– Phân tích chi tiết “lên bốn tuổi”, “bố đi đánh xe“, “tiếng chim tu hú”,…
Lưu ý: luôn lồng ghép với nỗi nhớ và ký ức vì đây là cảm hứng xuyên suốt cả bài thơ.
Video trên kênh Ẩm thực mẹ làm. Chỉ cần bỏ ra 5 phút tập trung xem clip là các bạn sẽ hình dung ra ngay khung cảnh vùng quê với bếp lửa thân yêu. Cảm ơn tác giả đã thực hiện video này.
Bối cảnh sáng tác
Vì sao độc giả nên hiểu về bối cảnh?
Văn là đời, vì vậy mỗi dòng chữ đều được viết nên từ chính những trải nghiệm dọc theo cuộc đời tác giả. Việc hiểu về hoàn cảnh sáng tác giúp các bạn hình dung rõ hơn tâm tư người viết và ý nghĩa của tác phẩm trong dòng chảy lịch sử Văn học nước nhà.
Bài thơ ra đời trong thời điểm nào?
Sau những năm tháng khó khăn loạn lạc, Bằng Việt có cơ hội sang Nga du học khi mới ngoài 20. Đối với nhà thơ, đó một đất nước xa lạ với ngôn ngữ, văn hóa hay khí hậu đều khác biệt. Tại đó, nỗi nhớ nhà luôn thường trực và khôn nguôi. Giữa mùa đông lạnh giá đầy băng tuyết tại Nga, Bằng Việt đã nhớ về căn bếp ấm áp, những ngọn lửa tí tách và kỷ niệm yêu thương suốt tám năm của bà. Sau đó, ông viết nên bài thơ “Bếp lửa”.
Bài thơ ra đời năm 1963, đây cũng là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang vào giai đoạn ác liệt. Bên cạnh dòng thơ kháng chiến để cổ vũ tinh thần yêu nước, chúng ta vẫn thấy những tác phẩm bày tỏ tình cảm quê hương và tình yêu gia đình. Đây cũng là một “vũ khí” trên mặt trận tư tưởng. Gia đình là nền tảng của xã hội, khi con người có sự liên kết mật thiết với gia đình, chúng ta sẽ có sức mạnh và ý chí để vượt qua gian khó.
Phỏng vấn nhà thơ Bằng Việt trên Truyền hình Nhân dân
Tác giả Bằng Việt
Nhà thơ Bằng Việt tên thật Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941 tại Huế (quê gốc Hà Nội). Là con trong gia đình trí thức, ông cũng trải qua những năm tháng đói khổ khi xã hội loạn lạc, chiến tranh khói lửa khắp nơi.
Trang thơ của ông chất chứa mọi trải nghiệm đã có: tuổi thơ sống với bà, tuổi trẻ xa nhà đi du học, về nước làm viêc rồi lại tham gia kháng chiến,… Tất cả kỷ niệm đều được ông cất lại trong những vần thơ.
Trích phỏng vấn:
Nhiều người sau khi đọc đến câu thơ “bố đi đánh xe” rồi gọi điện cho tôi hỏi: “Ông có bịa không đấy vì nhà ông làm gì đến nỗi ông cụ đi “đánh xe khô rạc ngựa gầy”, hay ông giả vờ nghèo, kể khổ để mọi người phải thông cảm cho gia đình ông?
Tôi khẳng định với họ rằng chẳng việc gì phải bịa hay cách điệu hoàn cảnh để xin mọi người thông cảm cả. Gia đình tôi có gì tôi đã đưa hết vào thơ rồi.
“Bố mẹ tôi ở trong Huế 18 năm và sinh tôi trong ấy. Sau khi cách mạng bùng nổ, cả nhà chuyển ra Bắc, tản cư về một vùng quê ở chân núi Ba Vì – Hà Tây. Bố tôi chưa có việc gì làm cho dù ông là một trí thức ngành luật. May sao trong lúc khó khăn đó bác tôi có cỗ xe ngựa chuyên chạy tuyến Phùng (Đan Phượng, Hà Tây) đi Hà Nội nên bố tôi nhận lời mời của bác đi phụ xe kiếm tiền nuôi gia đình.
-Hết trích-
Nhà thơ Bằng Việt nay đã 80 tuổi, bên cạnh là bìa tập thơ Hương Cây – Bếp lửa.
Khái quát về cấu trúc bài thơ
Bố cục bài thơ gần giống với “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Nỗi nhớ ký ức quay về, lần lượt từng hình ảnh và câu chuyện hiện ra.
Hướng dẫn phân tích, cảm thụ bài thơ “Bếp lửa”
Tài liệu tham khảo cho video
SGK Ngữ văn 12, tập 1
Sách Lý luận Văn học (NXB Đại học Sư phạm)
Sách Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám (NXB Đại học Sư phạm)
Học sinh đọc và xem thêm tài liệu tại đây
“Bếp lửa” của Bằng Việt: 58 năm, đọc lại vẫn rưng rưng
Nhà thơ Bằng Việt: Gia đình có gì tôi đã đưa hết vào thơ rồi!
Đời sống nghệ thuật: Nhà thơ Bằng Việt với bài thơ “Bếp lửa”
Bà nội – mặt trời bên bếp củi (nguồn: Triệu Nguyễn Huyền Trang)
Chúc chúng ta luôn có một nơi để trở về!
Cảm ơn các bạn đã theo dõi, hẹn gặp lại các bạn trong những bài đăng và video tiếp theo!
Triệu Nguyễn Huyền Trang
——————————————————————————————
Lời nhắn gửi: Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy nội dung hữu ích, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn!
Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này.
Đọc bài phân tích này em lại nhớ đến bà của mình chị ạ :((( E ko biết diễn tả hết cảm xúc của mình như thế nào chị ạ 😭