Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn […] nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức những gì mà người học có thể sử dụng cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước. Để có được “nhân tài thật”, thì cần phải “học thật” và “thi thật”.
Vì sao bạn có đủ khả năng cảm thụ tác phẩm?
Thứ nhất, bởi các bạn là những người trẻ luôn mang trong mình khao khát trải nghiệm và rèn luyện bản thân. Bước đến ngưỡng của trưởng thành, thanh niên ngập ngừng và có phần e ngại. Thế giới này rộng lớn như vậy, liệu mình có tìm được một nơi để phát triển và không bị quật ngã bởi sóng gió ngoài kia? Các bạn liệu có thấy mình qua hình ảnh ông lái đò, đứng trước thiên nhiên kỳ vĩ bỗng thấy mình quá bé nhỏ và cô độc? Để vượt qua dòng thác, ông lái vẫn hiên ngang giữ vững tay chèo và sẵn sàng đối diện với khó khăn lẫn hiểm nguy. Tinh thần can đảm, bản lĩnh kiên cường ấy là thứ mà người trẻ cần học hỏi, nhất là khi ta đang ở tuổi thanh xuân.
Bên cạnh đó, tài nghệ của ông lái đò khi vượt thác là biểu hiện của một người lao động có tâm có tầm, là đích đến của mỗi người trong cuộc sống. Công việc luôn thay đổi nhưng cái tâm làm nghề vẫn vẹn nguyên. Đó là khi ta biết dồn sự chú ý vào mỗi thứ đang làm và không ngừng cải thiện để tốt hơn. Xã hội có sự phân hóa nghề nghiệp và liên tục xuất hiện xu hướng mới. Dù chọn làm gì và ở vị trí nào, ta cũng cần lao động chăm chỉ, sáng tạo. Sự nhiệt thành ấy sẽ nâng tầm cho công việc và chính bản thân bạn.
Qua những lời kể về ông lái đò, nhà văn Nguyễn Tuân như muốn nhắn nhủ với người trẻ hôm nay:
Khi còn trẻ, hãy trải nghiệm nhiều nhất có thể và đừng ngại dấn thân. Khi bản lĩnh được tôi luyện dần dần, bạn sẽ dễ tìm thấy một lẽ sống phù hợp.
Khi đi làm, đừng vội chọn công việc “hot” mà hãy cố gắng lao động hết mình để trở nên “hot” trong chính lĩnh vực mà bạn theo đuổi.
Thông điệp này mình nhận ra đã từ lâu và nay gửi lại cho các bạn nhé. Khổ luyện thành tài. Chúc các bạn sớm hiểu thấu triết lý ấy và học thật tốt. Và giờ hãy khám phá Sông Đà để hiểu cái dữ dội mà nhà văn miêu tả nào.
Video “Vượt thác Sông Đà” đầy chân thực do các anh chị phóng viên và quay phim thực hiện. Do không rõ nguồn nên mình chưa ghi cụ thể. Thay mặt các bạn học sinh xin được cảm ơn các anh chị đã rất tâm huyết và dũng cảm để tạo ra những thước phim này.
Quy trình phân tích và cảm thụ tác phẩm
Chúng ta phân tích bài tùy bút trên hai hình tượng tiêu biểu: hình tượng con sông Đà và hình tượng người lái đò.
Khi viết Nghị luận Văn học, ta sẽ chọn lựa các luận điểm rồi sử dụng chính những thông tin trong bài để giải thích, chứng minh cho nhận định của mình. Dữ liệu đó có thể là câu văn, ý thơ, từ ngữ, những chi tiết miêu tả, nghệ thuật xây dựng nhân vật, tri thức hàm chứa trong nội dung,v..v...
Chẳng hạn, khi ta nói:
Chất tài hoa nghệ sĩ của người lái đò thể hiện ở trí tuệ, kinh nghiệm chinh phục đò giang.
Đây là một luận điểm. Các bạn hãy đưa ra những từ ngữ mà nhà văn dùng để miêu tả, các chi tiết về dòng thác dữ hoặc đôi nét so sánh trong bài để làm bật lên trí tuệ (thông minh, sáng suốt, nhanh nhẹn) và kinh nghiệm (có nhiều trải nghiệm, quen thuộc với công việc).
Bối cảnh sáng tác
Vì sao độc giả nên hiểu về bối cảnh?
Văn là đời, vì vậy mỗi dòng chữ đều được viết nên từ chính những trải nghiệm dọc theo cuộc đời tác giả. Việc hiểu về hoàn cảnh sáng tác giúp các bạn hình dung rõ hơn tâm tư người viết và ý nghĩa của tác phẩm trong dòng chảy lịch sử Văn học nước nhà.
Bài tùy bút ra đời trong thời điểm nào?
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Việt Nam tiếp tục chịu nỗi đau chia cắt 2 miền Nam-Bắc. Khi miền Nam tập trung chiến đấu chống Mĩ ngụy thì miền Bắc dốc sức lao động với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Lúc này, Đảng và Nhà nước tiến hành chủ trương vận động nhân dân miền xuôi lên vùng Tây Bắc để xây dựng vùng kinh tế mới. Để tiếp sức cho hành trình ấy, giới văn nghệ sĩ cũng hào hứng ngược lên Tây Bắc để khám phá cuộc sống.
Họ đi tìm kiếm mạch nguồn cảm hứng sáng tác và sẵn sàng sống chung với bộ đội và bà con dân tộc để khám phá cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa nơi đây. Tùy bút Người lái đò sông Đà chính là kết quả của chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của nhà văn Nguyễn Tuân.
Tác giả Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân sinh năm 1910 (thọ 77 tuổi), lớn lên ở phố Hàng Bạc, trung tâm Hà Nội.
Nguyễn Tuân là con một nhà nho tài hoa, yêu nước nhưng sống dưới chế độ thực dân phong kiến nhiều áp bức bất công. Cha của Nguyễn Tuân mang trong mình sự bất mãn trước thời cuộc và luôn nuối tiếc quá khứ. Do đó, tác giả đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tư tưởng và phong cách của cha mình.
Trước năm 1945, tác giả Nguyễn Tuân thường hoài niệm và đi tìm những thứ chỉ còn “vang bóng”. Bên cạnh đó, ông cũng viết những tác phẩm nhằm phê phán thói hư, tật xấu của con người. Cách mạng Tháng 8 thành công, đặc biệt là sau khi Pháp thua trận vào 1954, Việt Nam hoàn toàn độc lập. Nguyễn Tuân dùng văn chương để ca ngợi tổ quốc và cổ vũ tinh thần yêu nước, lao động hăng say.
Tuổi trẻ ham xê dịch, đã từng vượt biên và vào tù vài lần, Nguyễn Tuân có nhiều trải nghiệm đặc biệt với cái tôi khá ngông nhưng cũng rất tài hoa. Những đặc điểm này đều được thể hiện chân thực trong mỗi trang viết của ông.
Nhà văn Nguyễn Tuân và tập tùy bút sông Đà (Ảnh: goodreads)
Khái quát về cấu trúc bài tùy bút
Bố cục tác phẩm tương ứng với thời gian và không gian của hành trình trên sông Đà
Hướng dẫn phân tích, cảm thụ tác phẩm “Người lái đò sông Đà”
Tài liệu tham khảo cho video
SGK Ngữ văn 12, tập 1
Sách Lý luận Văn học (NXB Đại học Sư phạm)
Sách Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám (NXB Đại học Sư phạm)
Học sinh đọc và xem thêm tài liệu tại đây
100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân
Vẻ đẹp Tây Bắc dưới góc nhìn của Tân “Hoa Ban Food”
Cảm ơn các bạn đã theo dõi, hẹn gặp lại trong các bài đăng và video tiếp theo.
Triệu Nguyễn Huyền Trang
——————————————————————————————
Lời nhắn gửi: Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy nội dung hữu ích, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn!
Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này.
chi tiết bổ ích sang tao